Dự án tuyến cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau: Thí điểm 300m sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền
(Xây dựng) – Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, độ mặn và hàm lượng clorua trong nước mặt, đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm thay đổi hàm lượng nêu trên.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. |
Chở cát biển từ Trà Vinh đến Bạc Liêu để san lấp
Ngày 19/9, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ – cà Mau) cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu cát trong xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025) thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường với chiều dài 300m thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, tuyến đường ĐT 978, đoạn giao với Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại km79+820 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) được sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường với chiều dài 300m giao cắt với tuyến cao tốc tại lý trình km79+820 - dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Trong đó, 60m đoạn hạ âm và 240m đoạn thử nghiệm với 3 mái dốc ta-luy nền đường khác nhau. Theo số liệu phân tích, về mặt cơ lý của đoạn đường được đắp bằng cát biển thì không khác gì cát sông. Bên cạnh đó, về độ mặn và hàm lượng clorua trong nước mặt, đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm thay đổi hàm lượng nêu trên.
Nguồn cát biển dùng để thí điểm đắp nền được khai thác bằng tàu xói hút tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), vận chuyển trên biển đến cửa sông Hậu để bơm sang mạn tàu vận chuyển. Sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường sông đến đoạn sông gần vị trí thi công tại xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) với cự ly khoảng 170km được bơm lên bãi tập kết và vận chuyển đến vị trí thi công. Nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh với khối lượng 6.000m3, trong tổng số một triệu m3 đã được cấp phép khai thác. Chủ đầu tư cho biết, phương án thi công là đắp nền bình thường, có taluy 1,5m hai bên và lót vải địa kỹ thuật...
Tuyến đường thuộc Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại km79+820 thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) được thí điểm dùng cát biển đắp nền. |
Giải quyết được tình “nóng” tại các dự án giao thông trọng điểm
Việc thí điểm sử dụng cát nước mặn đắp nền tại Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau làm nhiều địa phương phấn khởi sẽ giải được bài toán thiếu cát lấp của nhiều địa phương, tạo tiền đề để nhân rộng và triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam đúng tiến độ. Theo ước tính, chỉ tính riêng Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát nhưng lượng cát hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 1,47 triệu m3 (tức khoảng 8% nhu cầu thực tế). Cụ thể, trữ lượng khai thác cát ở Đồng Tháp hơn 7 triệu m3, trong khi nhu cầu sử dụng cát cho các dự án đầu tư công trên địa bàn là 13,6 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh cần 6 triệu m3 để làm hai cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh - Mỹ An. Từ thực tế trên, tỉnh Đồng Tháp chưa xác định được nguồn, số lượng cát cung ứng cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hiện cả nước có khoảng 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng 2,3 tỷ m3. Chỉ tính riêng, nhu cầu sử dụng cát cốt liệu xây dựng (cát chế tạo vữa và bê tông) là vào khoảng 130 triệu m3/năm; trong khi nhu cầu cát san lấp bình quân mỗi năm trên 550 triệu m3. Với sự chênh lệch cung - cầu như vậy, trong khi nhu cầu xây dựng, san lấp, đặc biệt là những công trình lớn như các tuyến cao tốc, chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ... đang ngày một tăng cao thì có thể thấy trữ lượng cát sông rất thiếu. Trong khi việc khai thác các mỏ cát sông cũng đã và đang để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là nguy cơ sụt lún, xói lở, thay đổi dòng chảy, chưa kể những vấn đề đối với hệ sinh thái động, thực vật trong lòng sông và hai bên bờ.
Nhiều đoạn thược dự án cao tốc Cần Thơ – cà Mau ngừng thi công do không có cát đắp nền. |
Trên thế giới, từ rất lâu, các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, Singapore... đã ứng dụng hiệu quả công nghệ xử lý cát biển để dùng trong xây dựng, san lấp, thậm chí là sản xuất bê tông. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nghiên cứu, sử dụng cát biển thay thế cát sông. Một số công trình nghiên cứu bước đầu cho thấy có thể sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn lực, công nghệ, hệ thống tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực và quan trọng nhất là quy hoạch, khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện nên sử dụng cát biển thay thế cát sông trong san lấp, xây dựng chưa được triển khai vào thực tế. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn trương áp dụng thí điểm việc sử dụng cát biển vào đắp nền đường. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sớm báo cáo về căn cứ pháp lý, hướng dẫn thủ tục điều tra, thăm dò, khai thác, đánh giá trữ lượng, kết quả đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực thăm dò khai thác cát biển.
Mới đây, tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tường Trần Hồng Hà về đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chức năng đánh giá toàn diện về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; lưu ý đánh giá kỹ yêu cầu về cơ lý, môi trường, hiệu quả kinh tế, hoàn thành trong quý IV/2023.
Chí Thạch
Theo