Gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng giá vật liệu
(Xây dựng) - Trước những khó khăn liên quan đến biến động bất thường về giá trong 2 năm gần đây đối với nhà thầu xây dựng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, từng chủ thể đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, áp dụng những biện pháp vĩ mô, giảm giá xăng dầu, hạ lãi suất…
Rà soát công bố giá nguyên vật liệu
Để chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án công trình trọng điểm, các địa phương phải tiếp tục rà soát, công bố giá nguyên vật liệu kịp thời theo diễn biến thị trường. Khảo sát kỹ thị trường để mức giá công bố phù hợp với biến động, đặc biệt cần phải để ý kỹ các vật tư, vật liệu phổ biến có tại địa phương để kịp thời rà soát, bổ sung danh mục. Đây chính là quan điểm của Cục Kinh tế Bộ Xây dựng được ông Hoàng Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng trao đổi tại cuộc tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức ngày 12/8 vừa qua. Theo đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ qua Văn bản 3102 đề xuất Thủ tướng giải pháp xử lý đột biến giá VLXD, để có các Nghị quyết quyết liệt hơn đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định. Bộ Xây dựng cũng có nhiều cuộc kiểm tra trực tiếp. Hiện tại có 44 địa phương công bố theo tháng; 19 địa phương theo quý. Tới đây, để phục vụ công tác quản lý, các địa phương còn lại có thể cũng điều chỉnh công bố theo tháng hoặc theo diễn biến thị trường.
Theo Bộ Xây dựng, việc giá vật liệu tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án. Theo số liệu do các địa phương công bố, chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm gốc năm 2020 (thời điểm chưa có biến động), trong đó chỉ số giá xây dựng một số công trình (công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tại một số địa phương tăng từ 15 - 20%.
Tại các địa phương, giá VLXD, nhiên liệu tăng bất thường tác động chủ yếu đến các hợp đồng được ký kết trước quý IV/2020 trở về trước và các hợp đồng quy mô nhỏ có giá trị dưới 20 tỷ đồng được ký kết từ năm 2021 trở lại đây (theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các hợp đồng quy mô nhỏ phải thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói).
Ngoài ra, có một số hợp đồng thi công chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan như: chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế... dẫn đến một số nhà thầu đã bị ảnh hưởng vào giai đoạn giá tăng cao.
Cần tăng cường kiểm tra giám sát
Theo quy định của pháp luật đối với hợp đồng đơn giá cố định, đây là hợp đồng có đơn giá thanh toán cố định trong suốt quá trình thực hiện, do vậy khi tăng giá vật liệu, nhiên liệu thì cũng gặp khó khăn tương tự như đối với trường hợp hợp đồng trọn gói. Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh vốn được hầu hết đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, các công trình thi công sau năm 2020 đều chọn phương án ký kết hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng đã quy định rõ các phương pháp điều chỉnh giá để chủ đầu tư, nhà thầu lựa chọn.
Việc thực hiện các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh sẽ giảm thiểu các rủi ro, ảnh hưởng do biến động giá VLXD. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu, xác lập, ký kết các hợp đồng thi công phụ thuộc vào việc lựa chọn, áp dụng nguồn giá/chỉ số giá xây dựng, phạm vi điều chỉnh giá đã được các bên thỏa thuận trong từng hợp đồng/gói thầu cụ thể.
Thực tế, thời gian qua việc triển khai hợp đồng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc gồm: giá vật tư, vật liệu và chỉ số giá xây dựng ở nhiều địa phương công bố, dùng để điều chỉnh giá hợp đồng đã công bố chậm; một số giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng công bố không sát với diễn biến giá trên thị trường; danh mục VLXD công bố không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thanh toán.
Phạm vi điều chỉnh giá trong một số hợp đồng cũng bị giới hạn do các bên không lường hết rủi ro về trượt giá và tình trạng thiếu nguồn cung đối với một số loại VLXD chủ yếu (như đất đắp, cát, đá...), nhất là các dự án đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1. Một số hợp đồng không xác lập việc điều chỉnh giá đối với phần vật liệu đất đắp (chiếm tỷ trọng khoảng 15 - 25% giá hợp đồng).
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Các Bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra giám sát để xem việc điều chỉnh giá có phù hợp không, sớm có tổng kết đánh giá để gửi Bộ Xây dựng kịp thời nghiên cứu giải pháp điều chỉnh.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã rà soát tìm kiếm vật liệu thay thế, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đơn giá, làm giàu nguồn cung để bình ổn giá thị trường. Bộ đã hướng dẫn các bộ chuyên ngành rà soát bổ sung để làm giàu định mức lên, đảm bảo luôn có đủ để lập quản lý chi phí, tăng thêm công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Với các giải pháp trực tiếp, có lẽ các nhà thầu rất mong chờ giải pháp về hợp đồng xây dựng.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Xây dựng trực tiếp là Cục Kinh tế xây dựng đã rà soát hướng dẫn chủ đầu tư, các Ban QLDA để thực hiện hợp đồng xây dựng, tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn như với những chi phí để chống dịch Covid-19, khi Nhà nước ra Chỉ thị 15-16, nhà thầu được tính toán bổ sung chi phí này nhưng nhiều Ban QLDA, nhà thầu chưa nắm rõ. Do đó, chúng tôi đã hướng dẫn để tạo điều kiện tốt nhất và công bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu để cùng nhau hoàn thành công trình hạ tầng lớn.
Khi sửa đổi Nghị định 50 về hợp đồng xây dựng và 1 số nội dung về Nghị định 37 về hợp đồng xây dựng, đã đưa mức biến động giá cao hơn 15% so với tại thời điểm xác lập hợp đồng sẽ được coi là bất khả kháng.
Một giải pháp nữa, Bộ Xây dựng đang thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo dữ liệu về giá được công bố trên hệ thống chung cho cả 63 tỉnh thành, khi dữ liệu này được đưa vào chúng ta sẽ đạt được sự minh bạch, liên tục cập nhật giá, các chủ đầu tư, nhà thầu đều được đăng nhập, tránh trường hợp công bố chậm. Dự kiến trong quý IV năm nay sẽ công bố cơ sở dữ liệu này.
Về nhóm giải pháp với nhà thầu, qua kiểm tra đánh giá, nhà thầu luôn mong muốn hoàn thành chất lượng, đạt mục tiêu chiến lược và có lãi nhưng các nhà thầu cần coi trọng năng lực xác lập hợp đồng, tính toán kỹ điều kiện khả năng dự phòng diễn biến trong tương lai, dự phòng rủi ro. Trước mắt căn cứ vào các thỏa thuận đã ký các nhà thầu phải thực hiện để đảm bảo hợp đồng, hạn chế rủi ro.
Đối với các Ban QLDA, phải đặc biệt nghiên cứu kỹ công tác dự báo, văn bản pháp luật để lựa chọn hình thức hợp đồng trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và đàm phán hợp đồng để đảm bảo minh bạch công bằng, không gây thiệt hại với nhà thầu và hoàn thành tốt dự án.
Mai Nam Sơn
Theo