Lâm Đồng: Ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
(Xây dựng) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu, đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác.
Lâm Đồng tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. |
Quyết định này cũng quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tô chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật, mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Với mục tiêu, đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép, không có nguồn gốc hợp pháp; bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự; cụ thể hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả về các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn quản lý nhưng không chủ động đề xuất, tham mưu các biện pháp xử lý hoặc không có biện pháp xử lý hữu hiệu, để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn.
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ, chính xác và thống nhất với nội dung của phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được phê duyệt.
Thực hiện công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức với phương châm dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ để doanh nghiệp, người dân biết và tham gia giám sát quá trình thực hiện; yêu cầu thực hiện cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã chịu trách nhiệm tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân thuộc địa phương quản lý. Vận động nhân dân cùng giám sát hoạt động khoáng sản, không khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân vi phạm cho chính quyền địa phương; thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Hoàng Sơn
Theo