Ngành Vật liệu xây dựng hướng tới phát triển bền vững
(Xây dựng) - Trong suốt 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho xã hội, điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những lĩnh vực quan trọng của Ngành, được Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Trong các lĩnh vực ngành Xây dựng, lĩnh vực có bước phát triển nhanh là công nghiệp VLXD. Sản xuất VLXD đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành VLXD của Việt Nam đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải rắn, phát thải các-bon thấp để sản xuất ra hàng trăm chủng loại VLXD khác nhau.
Đặc biệt, trong 15 năm qua, ngành VLXD đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, Việt Nam từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến năm 2010, cơ bản Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm VLXD, đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại của thế giới thay vì sử dụng các dây chuyền sản xuất cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường... Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Một số sản phẩm như kính, gạch ốp lát… đã được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Cùng với đó, hành lang pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Trong thời gian qua, Vụ VLXD đã xây dựng và tham mưu cho Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025 tại Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019.
Trong điều kiện của Việt Nam với hơn 3 nghìn ki-lô-mét bờ biển, có hàng nghìn hòn đảo, vật liệu dùng cho biển đảo rất cần thiết và quan trọng. Do đó, mục tiêu của Đề án nhằm phát triển đa dạng các chủng loại xi măng có tính năng chịu được trong môi trường khí hậu biển phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo…
Bên cạnh đó, Vụ VLXD cũng đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ phê duyệt Đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực VLXD tại Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 09/12/2020; tham mưu phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực VLXD, trong đó lồng ghép thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030, nhằm tăng cường sử dụng các chất thải của ngành công nghiệp (tro, xỉ...), giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tạo ra nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất VLXD, mang lại lợi ích kép (vừa giảm sử dụng tài nguyên, vừa giảm ô nhiễm môi trường). Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tận dụng nhiệt thừa, khí thải của nhà máy xi măng để phát điện, tiết kiệm điện, giảm phát thải ra môi trường.
Đáng chú ý, ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1266/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Trong đó, Chiến lược đã định hướng phát triển ngành sản xuất VLXD theo hướng sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; triệt để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa chất thải từ các ngành khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm các chỉ số phát thải nhằm bảo vệ môi trường…
Với định hướng trên, ngành VLXD nước ta sẽ phát triển ngày càng hiệu quả, bền vững, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu có chọn lọc các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Triển khai chính sách phát triển VLXD
Trong những năm gần đây, ngành VLXD cũng như cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu là Bộ Xây dựng cũng như Vụ VLXD đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách như: Nghị định, Thông tư, đề án, chỉ thị để tăng cường sản xuất phát triển ngành VLXD trong nước đạt được ở mức độ cao.
Cụ thể, năm 2022, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng thẩm định về Quy hoạch ngành quốc gia “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tham gia Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Kinh tế Trung ương; đang hoàn thiện, lấy ý kiến đối với Đề án “Tăng cường công tác quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất VLXD”.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực VLXD; Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng đồng thời quản lý chặt chẽ hệ thống đánh giá hợp quy, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD nhập khẩu, sản xuất và lưu thông trên thị trường, ngăn ngừa hàng kém chất lượng đưa vào các công trình xây dựng; hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị của các ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm hàng hóa VLXD…
Tổ chức kiểm tra công tác quản lý nhà nước về VLXD tại một số địa phương; tổ chức các hội thảo về phát triển vật liệu xanh trong công trình xây dựng; cập nhật thường xuyên số liệu để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, tiêu thụ, thị trường VLXD; tổ chức nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về VLXD...
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng hoàn thiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Triển khai thực hiện Thông tư số 04/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 hướng dẫn về xuất khẩu khoáng sản làm VLXD. Hoàn thiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất VLXD”. Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.
Bộ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường VLXD, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu; nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm VLXD khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực; rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực VLXD để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước…
Tiếp tục nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm VLXD khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực; tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm VLXD đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD…
Đồng thời, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch phát triển VLXD; tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm VLXD đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD…
PV
Theo