Quản lý nhà nước về VLXD tại Điện Biên: Những bước đi nhanh, bài bản
(Xây dựng) - Ngay từ thời điểm cuối năm 2021, thì cát nghiền tại Điện Biên đã có đủ cơ sở pháp lý để sử dụng cho các công trình vốn Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách về cát cho các công trình trọng điểm. Kết quả đạt được không thể thiếu những bước đi nhanh, bài bản trong quản lý nhà nước về VLXD tại địa phương.
Dây chuyền sản xuất đầu tư đồng bộ và phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, hiệu quả. |
Bảo đảm nền tảng vững chắc cho sử dụng cát nghiền
Thực tế cho thấy, Điện Biên có điều kiện địa hình phức tạp, chủ yếu là núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Hệ thống sông và nhánh sông, suối dày đặc. Kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Cát tự nhiên trên địa bàn không hình thành mỏ, chủ yếu tập trung khi mùa mưa lũ kéo về, tích tụ tại các lòng sông, suối, với trữ lượng ít và ngày càng giảm dần, do đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ từ thượng nguồn các huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Chà.
Tính đến thời điểm hiện nay, cả tỉnh mới có 5 đơn vị được cấp Giấy phép khai thác cát tự nhiên và 2 đơn vị được xác nhận khối lượng cát thu hồi tận dụng từ nạo vét lòng hồ, thuộc dự án thủy điện trên địa bàn huyện Điện Biên và huyện Mường Chà. Tổng trữ lượng được phép khai thác khoảng 400 nghìn m3, trữ lượng còn lại khoảng trên 250 nghìn m3…
Theo dự báo của Sở Xây dựng Điện Biên, trên cơ sở các danh mục dự án đầu tư trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng cát làm VLXD thông thường khoảng 5 triệu m3 cát, so với trữ lượng còn lại trên 250 nghìn m3 cát, là một con số thiếu hụt rất lớn.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh sẵn có các mỏ đá được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, là cơ sở để khuyến khích DN đầu tư, nghiên cứu sản xuất cát nghiền thay thế tự nhiên. Hoạt động này phù hợp với định hướng, chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong quản lý khai thác cát tự nhiên, sản xuất kinh doanh và sử dụng cát nghiền làm VLXD.
Để bảo đảm có cơ sở lý luận, cơ sở khoa học cũng như ý kiến góp ý đa chiều từ các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, Trường đại học đối với các vấn đề liên quan đến cát nghiền, ngày 24/8/2018, Sở Xây dựng Điện Biên đã chủ trì, phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng; Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật - Bộ KH&CN; Ban quản lý dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” tổ chức Hội thảo “Sử dụng vật liệu gạch xây không nung và cát nghiền trong các công trình xây dựng”, tổ chức hội thảo khoa học về nghiên cứu sử dụng cát nghiền trong xây dựng dần thay thế cát tự nhiên.
Hồ điều hòa trong khu vực nhà máy sản xuất cát nhân tạo góp phần giảm phát tán bụi trong quá trình sản xuất. |
Sang năm 2019, Sở Xây dựng đã đăng ký đề tài khoa học “Nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất vữa và bê tông cho các công trình xây dựng tỉnh Điện Biên” với Sở KH&CN của tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt danh mục đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2020 tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 08/01/2020.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tiếp tục chủ động phối hợp với Viện nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) thực hiện đề tài với các hoạt động cụ thể như: Khảo sát hiện trạng, đánh giá, lấy mẫu đá gốc tại các điểm mỏ đang khai thác đá và cát nghiền tại Công ty TNHH Minh Quý Điện Biên, Công ty CP Đầu tư thương mại Hưng Long Điện Biên để thí nghiệm, xác định tính chất cơ lý hóa của các loại đá, cát nghiền phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền.
Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, ngày 26/11/2021, Sở Xây dựng Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-SXD về việc ban hành định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh, là cơ sở pháp lý cho cấp phối bê tông sử dụng cát nghiền (bê tông xi măng, bê tông nhựa) có nguồn gốc từ mỏ đá Tây Trang 10, xã Na Ư, huyện Điện Biên và mỏ đá Mường Ảng 01, tổ 10, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng. Đây là một bước tiến quan trọng và kịp thời đáp ứng nhu cầu lớn đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Đến thời điểm hiện nay, tại khu vực Tây Trang và khu vực Mường Ảng đã có 3 đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền bảo đảm quy cách và chất lượng theo quy định, với tổng công suất sản xuất trên 150 nghìn m3/năm. Công suất có thể điều chỉnh tăng giảm, tùy theo nhu cầu của thị trường, nên không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cát.
Do đó, cát nghiền tại địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu cấp bách về VLXD các công trình trọng điểm trong tỉnh như: Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên (sử dụng gần 80% cát nghiền, khoảng 20% cát tự nhiên); Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL 279 và QL12 tỉnh Điện Biên đang triển khai công tác GPMB… Cát nghiền tại Điện Biên không chỉ được sử dụng trong xây dựng, mà còn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu, gạch TERRAZZO…
Ông Nguyễn Thành Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên cho biết, khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực thi hành, trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển sản phẩm cát nghiền là chủ yếu, đảm bảo về quy cách, chất lượng theo quy định của QCVN, TCVN.
Hoàn thiện định mức cấp phối cho sản phẩm cát nghiền
Tại Điện Biên hiện nay, cát nghiền có thể được đơn vị cung ứng vận chuyển đến tận chân công trình. Chất lượng sản phẩm đảm bảo và phù hợp với các TCVN, QCVN quy định. Quá trình khai thác đá làm cát nghiền cũng được các DN tận dụng để sử dụng cho tất cả các loại sản phẩm với các mục đích khác nhau như: Đá dăm các loại, base, subbase, đất đá thải, cát nghiền, sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu, gạch TERRAZZO…
Sản phẩm cát nghiền Điện Biên đủ tiêu chuẩn chất lượng cho mọi công trình xây dựng. |
Giá thành cát nghiền rẻ hơn so với giá cát tự nhiên, góp phần làm giảm suất đầu tư xây dựng công trình. Theo công bố giá vật liệu tại thời điểm tháng 8/2023 của Sở Xây dựng Điện Biên, giá cát nghiền dùng trong bê tông tại điểm mỏ khu vực Tây Trang, xã Na Ư, huyện Điện Biên, chưa có VAT, chưa có chi phí vận chuyển, từ 180 - 240 nghìn đ/m3, giá bình quân là 210 nghìn đ/m3. Trong khi đó, giá cát tự nhiên tại điểm mỏ bản Noong Vai, xã Thanh Yên và Đội C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên là 236.364 đ/m3. Việc sản xuất và tiêu thụ cát nghiền cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho DN, tăng nguồn thu cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương…
Từ hiệu quả kinh tế thiết thực này, Sở Xây dựng Điện Biên đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1383/UBND-TH ngày 20/4/2023 về xây dựng định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền, trong đó, giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì nghiên cứu xây dựng, ban hành định mức hao phí sử dụng cát nghiền trong công tác bê tông xây dựng, bê tông Atphalts trong giao thông (bổ sung thêm) và xây dựng mới định mức hao phí trong công tác xây, trát; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đắp và san nền, phù hợp với chủ trương phát triển sản xuất VLXD của tỉnh, nhu cầu thị trường và tiềm năng sản xuất VLXD tại địa phương.
Để tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, thiết thực của định hướng phát triển cát nghiền, cũng như tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các cơ quan các cấp, giữa các Sở, ngành, ngày 25/8/2023, Sở Xây dựng Điện Biên đã ban hành Văn bản số 1649/SXD-KT&VLXD về việc đề nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện áp dụng Quyết định số 2499/QĐ-SXD ngày 26/11/2021 của Sở Xây dựng về việc ban hành Định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh và xây dựng Kế hoạch phát triển cát nghiền nhân tạo làm VLXD thông thường, vật liệu đắp, san lấp theo lộ trình, phù hợp với địa phương.
Có thể thấy, Sở Xây dựng Điện Biên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, đang nỗ lực, tận tâm phát huy năng lực, kinh nghiệm quản lý nhà nước và đã có những bước tiến nhanh, vững chắc trong xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cát nghiền làm VLXD phục vụ nhu cầu phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Điện Biên tiếp tục thực hiện hóa kế hoạch của UBND tỉnh Điện Biên trong giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển sản phẩm cát nghiền là chủ yếu, đảm bảo về quy cách, chất lượng theo quy định của QCVN, TCVN… Trên bước đường này, không thể thiếu sự quan tâm, đồng hành và tạo điều kiện hơn nữa từ các cơ quan Bộ Xây dựng trong triển khai xây dựng định mức cấp phối, hao phí sử dụng cát nghiền trong công tác bê tông xây dựng, bê tông Atphalts trong giao thông (bổ sung thêm); xây dựng mới định mức hao phí trong công tác xây, trát; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đắp và san nền.
Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét tham mưu Chính phủ có chính sách ưu đãi phù hợp với từng loại quy mô sản xuất của DN sản xuất cát nghiền nhân tạo, nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các DN tham gia đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cũng như của địa phương...
Thanh Nga
Theo