Quảng Ngãi bán đấu giá hơn 4 3 triệu m3 khoáng sản

Xây dựng – Tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bán đấu giá số khoáng sản được dự báo có trữ lượng tổng cộng 4 349 933m3 bao gồm Cát đất san lấp và đá chẻ tại 9 mỏ ở các huyện Tư Nghĩa Sơn Tịnh Trà Bồng và thành phố

Quảng Ngãi bán đấu giá hơn 4,3 triệu m3 khoáng sản

08:34 | 17/09/2022

(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bán đấu giá số khoáng sản được dự báo có trữ lượng tổng cộng 4.349.933m3, bao gồm: Cát, đất san lấp và đá chẻ, tại 9 mỏ ở các huyện: Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi.

quang ngai ban dau gia hon 43 trieu m3 khoang san
Hoạt động tận thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang tồn tại nhiều kẽ hở.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hành Thông báo số 4760/TB-STNMT về việc bán, tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với 7 mỏ cát, 1 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 1 mỏ đá chẻ.

Cụ thể, huyện Tư Nghĩa có 3 mỏ cát, gồm: Mỏ cát thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Diện tích 7,92ha, tài nguyên dự báo 158.440m3); Mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Diện tích 9,6ha, tài nguyên dự báo 192.000m3) và Mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Diện tích 7,72ha, tài nguyên dự báo 154.400m3). Huyện Sơn Tịnh có 2 mỏ cát, gồm: Mỏ cát thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Diện tích 6,14ha, tài nguyên dự báo 122.800m3); Mỏ cát thôn Trường Xuân và Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Diện tích 6,8ha, tài nguyên dự báo 136.000m3). Huyện Trà Bồng có một điểm tụ cát ở thôn Bình Trung, xã Trà Bình (Diện tích 1,58ha, tài nguyên dự báo 15.800m3).

Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có mỏ cát lớn nhất được đem ra đấu giá lần này khi sở hữu diện tích lên đến 53,4ha, tài nguyên dự báo 3.413.693m3 tại xã Tịnh An và xã Nghĩa Dũng. Ngoài ra, địa phương này còn có một mỏ đá chẻ được tổ chức bán đấu giá ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa (Diện tích 2,84ha, tài nguyên dự báo 56.800m3).

quang ngai ban dau gia hon 43 trieu m3 khoang san
Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá quyền khai thác đối với mỏ đất.

Đáng chú ý hơn cả là việc lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá quyền khai thác đối với mỏ đất khi cho “trình làng” mỏ đất san lấp Đội 3, thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi (Diện tích 1,89ha, tài nguyên dự báo 100.000m3).

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi tiến hành thông báo về việc bán, tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản nói trên trong vòng 1 tháng (Từ ngày 19/9/2022 đến ngày 19/10/2022). Đồng thời tổ chức bán và tiếp nhận hồ sơ cũng trong khoảng thời gian này, tại trụ sở của cơ quan ở số 163 đường Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự kiến phiên đấu giá sẽ được tổ chức từ ngày 03/11/2022 đến 15/11/2022, tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi (số 15 đường Nguyễn Thiệu, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Đối tượng được phép tham gia đấu giá lần này là các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 51 Luật Khoáng sản (Trừ đối tượng không được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 9 Nghị định 22/2013/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ).

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, mục đích của việc đưa các mỏ khoáng sản trên ra đấu giá là nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và đúng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Cùng với đó là tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

quang ngai ban dau gia hon 43 trieu m3 khoang san
Tại Quảng Ngãi, hiện nay có một vài doanh nghiệp nổi lên như “vua không ngai” trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khi được “cho” một lượng lớn mỏ đất để tổ chức khai thác.

Theo dữ liệu của Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, giai đoạn trước đây, tại Quảng Ngãi xuất hiện cơ chế “xin - cho” trong việc cấp phép mỏ cát xây dựng và mỏ đất phục vụ đắp và san lấp công trình, khi các mỏ được cấp theo hình thức chỉ định cho doanh nghiệp thông qua hồ sơ xin cấp phép mà không tổ chức đấu giá quyền khai thác. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Từ đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã chấm dứt hình thức cấp phép mỏ cát dạng này, thay vào đó là tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Riêng đối với mỏ đất phục vụ đắp và san lấp thì vẫn đang là nỗi “ám ảnh” đối với các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, đặc biệt là các công trình, dự án hạ tầng giao thông cần lượng đất đắp, san lấp lớn. Bởi lẽ, lâu nay trên địa bàn tồn tại rất nhiều bất cập liên quan đến công tác cấp phép mỏ, đối tượng được cấp mỏ, công tác kê khai giá, giá bán và địa chỉ tiêu thụ thực tế cho công trình và thời gian hình thành mỏ sau khi đã có quy hoạch.

Hầu hết mỏ cấp cho công trình, dự án cụ thể đều “nằm trên giấy”, trong khi công trình đã được thi công hoàn thành, bàn giao… nhà thầu phải chạy vạy khắp nơi tìm đất, công trình bị chậm tiến độ, kéo theo kế hoạch giải ngân bị ảnh hưởng…

quang ngai ban dau gia hon 43 trieu m3 khoang san
Hoạt động khai thác, tận dụng, mua bán của các “ông lớn” trong lĩnh vực khoáng sản ở Quảng Ngãi cần được kiểm tra, kiểm soát chặt để tránh gây thất thoát tài nguyên, ngân sách.

Tận dụng bất cập này, rất nhiều chủ mỏ đã ‘biến” mỏ đất cấp có địa chỉ thành mỏ đất thương mại, gây nhiễu loạn thị trường, thất thoát tài nguyên, vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự.

Hơn nữa, công tác khoanh định khu vực không tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đất đã cho thấy nhiều tồn tại bất hợp lý. Trong một thời gian dài, mỏ đất ở Quảng Ngãi chỉ rơi vào tay những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp “có quan hệ”, nên nhóm chủ mỏ này luôn có quyền “tự quyết” đối với mặt hàng đặc thù này. Bất cập trên đã khiến thị trường đất đắp, san lấp tồn tại “hai giá”, khó tiếp cận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án, đặc biệt là công trình sử dụng vốn đầu tư công, gây bất ổn và bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư trên địa bàn.

Lê Danh

Theo