Quảng Ngãi đấu giá thành công hàng loạt mỏ khoáng sản
(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức đấu giá thành công 8 mỏ khoáng sản các loại, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo hơn 4,3 triệu m3, dự kiến thu về cho Ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chưa thể xác định được số tiền trúng đấu giá mà các doanh nghiệp phải nộp là bao nhiêu. |
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền vừa ký liên tiếp 3 Quyết định công nhận kết quả trúng quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với 6 mỏ cát xây dựng, 1 mỏ đá chẻ và 1 mỏ đất san lấp.
Đáng chú ý hơn cả là mỏ cát “khủng” Tịnh An – Nghĩa Dũng, nằm trên sông Trà Khúc đoạn chảy qua trung tâm thành phố Quảng Ngãi đã tìm được chủ. Mỏ cát lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá có diện tích lên đến 53,4ha, tài nguyên dự báo hơn 3.4 triệu mét khối, thời gian khai thác dự kiến khoảng 10 năm (Không tính 3 tháng mùa mưa), công suất khai thác khoảng 350.000m3/năm.
Doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát Tịnh An – Nghĩa Dũng là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Thương mại Bình Minh Miền Trung (số 308 đường Hai Bà Trưng, thành phố Quảng Ngãi), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 73,4%.
Trữ lượng chính xác sẽ được doanh nghiệp trúng đấu giá thuê đơn vị tư vấn thăm dò theo Giấy phép được cấp và lập Báo cáo kết quả thăm dò, trình UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt. |
Huyện Tư Nghĩa có 3 mỏ được đấu giá thành công, lần lượt: Công ty TNHH Khang Long Phát Gia Lai (Lô B8 – khu công nghiệp Trà Đa, xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) trúng đấu giá mỏ cát thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Diện tích 7,92ha, tài nguyên dự báo 158.440m3), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 109%.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản HDC (Số 3 Đường Mới, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) trúng đấu giá mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Diện tích 9,6ha, tài nguyên dự báo 192.000m3), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 98%.
Công ty TNHH Một thành viên T&H Gia Lai (Thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trúng đấu giá mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Diện tích 7,72ha, tài nguyên dự báo 154.400m3), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 124,5%.
Huyện Sơn Tịnh có 2 mỏ cát được đấu giá thành công đợt này, lần lượt: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển THC Quảng Ngãi (Số 10, ngách 5, ngõ 131 Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi) trúng đấu giá mỏ cát thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Diện tích 6,14ha, tài nguyên dự báo 122.800m3), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 238%.
Lần đầu tiên Quảng Ngãi đấu giá thành công mỏ đất san lấp. |
Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh (Số 151 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Quảng Ngãi) trúng đấu giá mỏ cát thôn Trường Xuân và Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Diện tích 6,8ha, tài nguyên dự báo 136.000m3), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 180,5%.
Mỏ đá chẻ duy nhất được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá lần này (ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi - Diện tích 2,84ha, tài nguyên dự báo 56.800m3), đã thuộc về Công ty Cổ phần Thương mại 239 (Lô 32 – An Phú Sinh, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 7,5%.
Mỏ đất san lấp Đội 3, thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi (Diện tích 1,89ha, tài nguyên dự báo 100.000m3), đã thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư 706 (D17 Chu Văn An, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi), với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 4,2%. Đây là mỏ đất san lấp đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá quyền khai thác.
Kết quả phê duyệt nói trên được căn cứ theo Biên bản đấu giá tài sản được lập thông qua việc tổ chức các phiên đấu giá trong hai ngày 12 và 13/1/2023, do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi (Sở Tư pháp Quảng Ngãi), phối hợp tổ chức với Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Ngãi – Cơ quan được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ đấu giá tài sản. Các phiên đấu giá được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục của các Luật, Nghị định và các Thông tư liên quan.
Tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn phụ thuộc vào trữ lượng, giá tính tiền cấp quyền và hệ số thu hồi khoáng sản. |
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tất cả các mỏ khoáng sản mà tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá lần này đều “chưa có kết quả thăm dò trữ lượng”, giá khởi điểm được xác định theo “tham số R – 5%” (Thông số cấp quyền khai thác khoáng sản). Bước giá được áp dụng cho các phiên đấu giá là 5%, riêng mỏ cát Tịnh An – Nghĩa Dũng và mỏ đất san lấp, đá chẻ là 3%.
Từ Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá này của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong thời hạn không quá 6 tháng, các doanh nghiệp nói trên phải tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản tại khu vực mình trúng đấu giá qua Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi. Hồ sơ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 158/2016/NĐCP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Sau đó, thuê đơn vị tư vấn tổ chức thi công Đề án thăm dò khoáng sản theo Giấy phép được cấp và lập Báo cáo kết quả thăm dò, trình UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt trữ lượng theo quy định.
Trước khi được cấp Giấy phép khai thác, các doanh nghiệp phải nộp tiền trúng đấu giá sau khi có Quyết định phê duyệt tiền trúng đấu giá của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Cũng như hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi là cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép hoạt động khoáng sản đối với các mỏ cát trúng đấu giá đợt này.
Ngoài tiền trúng đấu giá, doanh nghiệp còn phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định, bên cạnh chi phí tổ chức khai thác… tất cả được hạch toán vào giá bán ra thị trường. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản trên địa bàn nhằm nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và đúng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.
Cũng như giải quyết nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng rất lớn trên địa bàn và khu vực lân cận. Trong khi các mỏ cát được cấp phép không đủ dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài làm thất thoát ngân sách, tác động xấu đến môi trường và gây bức xúc trong nhân dân.
Cùng với đó là tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
“Đấu giá công khai, rõ ràng theo quy định của pháp luật vừa tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp vừa tăng thu ngân sách cho Nhà nước”, ông Trung nói.
Theo dữ liệu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, giai đoạn trước đây, tại Quảng Ngãi xuất hiện cơ chế “xin - cho” trong việc cấp phép mỏ cát xây dựng và mỏ đất phục vụ đắp và san lấp công trình, khi các mỏ được cấp theo hình thức chỉ định cho doanh nghiệp thông qua hồ sơ xin cấp phép mà không tổ chức đấu giá quyền khai thác. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.
Từ đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã chấm dứt hình thức cấp phép mỏ cát dạng này, thay vào đó là tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Lê Danh
Theo