Quảng Trị Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn đất đắp công trình

p style text align justify Xây dựng – Nhằm đảm bảo cung ứng nguồn đất đắp cho công trình dự án tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp liên quan đến hoạt động khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp t

Quảng Trị: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn đất đắp công trình

20:57 | 13/11/2023

(Xây dựng) – Nhằm đảm bảo cung ứng nguồn đất đắp cho công trình, dự án, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp, liên quan đến hoạt động khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn.

Quảng Trị: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn đất đắp công trình
Công trình có quy mô đầu tư lớn được khởi công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang cần đến khối lượng lớn đất đắp.

Hiện nay, việc huy động đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ 3 nguồn, trong đó có 2 mỏ đã được cấp phép khai thác và các điểm thu hồi đất làm vật liệu san lấp từ nạo vét lòng hồ thủy lợi và sử dụng đất do cân đối đào đắp tại một số dự án, công trình. Tuy nhiên, do các điểm thu hồi đất bằng việc nạo vét lòng hồ thủy lợi hoạt động không định, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, khi mùa mưa đến là hoàn toàn không khai thác được, do đó thời gian qua có nhiều lúc các công trình, dự án thiếu đất san lấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp được phê duyệt vào quy hoạch với tổng diện tích 948,11ha, tổng tài nguyên dự báo 50.715.000m3. Tuy nhiên, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đấu giá, chỉ có 10/16 mỏ đất làm vật liệu san lấp (tài nguyên dự báo khoảng 11,845 triệu m3) trúng đấu giá nộp hồ sơ đầy đủ đề nghị cấp phép thăm dò đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị.

Theo tính toán tổng khối lượng đất từ 6 mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào lấp khoảng 21,76 triệu m3. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp năm 2023 là khoảng 4.218.904m3. Như vậy, nếu trong thời gian tới, khi số mỏ đã trúng đấu giá hoàn thành thủ tục đi vào hoạt động, sẽ đảm bảo được việc cung ứng nguồn đất san lấp công trình, dự án.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã đề xuất UBND tỉnh này phê duyệt danh mục 11 mỏ đất làm vật liệu san lấp với diện tích 153,48ha, tài nguyên dự báo 10,93 triệu m3 vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh để phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện; khắc phục thiên tai, xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Song, để đảm bảo cung ứng nguồn đất đắp của thời gian tới, đòi hỏi các khó khăn, vướng mắc trong vật liệu san lấp phải được giải quyết một cách triệt để. Những khó khăn đó là, việc đầu tư triển khai nhiều công trình trọng điểm, quy mô lớn với tiến độ yêu cầu nhanh, trong khi việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp thực hiện cần có thời gian dài, liên quan đến nhiều Sở, ngành, địa phương. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng sau khi trúng đấu giá; công tác thỏa thuận giữa các chủ sử dụng đất là chủ mỏ trúng đấu giá còn nhiều bất cập…

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay: Hiện tại, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tổng hợp, xác định trữ lượng nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn, trên cơ sở đó phân tích các mỏ đất đã đấu giá thành công, từ đó thực hiện tiếp các quy trình khai thác. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cần giảm tối đa quy trình để đẩy nhanh tiến độ khai thác theo đúng quy định; đối với các công trình trọng điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cùng các địa phương, chủ đầu tư cần khoanh định vùng đất không đấu giá, ưu tiên quỹ đất Nhà nước quản lý, xây dựng quy trình thực hiện cho các dự án trọng điểm; các chủ đầu tư cần bóc tách khối đất đắp báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý…

Hi Hữu

Theo