Quảng Trị Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà đấu giá mỏ đất san lấp

Xây dựng – Có một nghịch lý rằng trong khi nguồn đất san lấp công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn thiếu trầm trọng nhưng các nhà đầu tư lại không mấy mặn mà với việc tham gia đấu giá mỏ đất làm vật

Quảng Trị: Vì sao doanh nghiệp chưa “mặn mà” đấu giá mỏ đất san lấp?

22:03 | 21/01/2024

(Xây dựng) – Có một nghịch lý rằng, trong khi nguồn đất san lấp công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn thiếu trầm trọng, nhưng các nhà đầu tư lại không mấy “mặn mà” với việc tham gia đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp công trình. Vậy đâu là nguyên nhân?

Quảng Trị: Vì sao doanh nghiệp chưa “mặn mà” đấu giá mỏ đất san lấp?
Nhiều công trình lớn được triển khai thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang cần đến một khối lượng lớn đất san lấp.

Những năm gần đây, nhất là từ giữa năm 2023 trở về trước, tình trạng công trình xây dựng hạ tầng thiếu nguồn đất san lấp trầm trọng, giá đất san lấp có những thời điểm tăng gấp 3 đến 4 lần so với giá công bố của cơ quan chức năng, nhưng đất san lấp vẫn khan hiếm. Đây là một trong những yếu tố làm chậm tiến độ dự án, tệ hại hơn là đẩy giá thành công trình lên cao, không ít nhà thầu thua lỗ ngay tại chân công trình.

Nguồn đất san lấp công trình thiếu trầm trọng là vậy, nhưng các nhà đầu tư lại không mấy mặn mà với việc đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp. Xin được đơn cử, năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị tổ chức đấu giá 27 mỏ đất làm vật liệu san lấp, nhưng chỉ có có 16 mỏ trúng đấu giá. Điều đáng nói, là trong 16 mỏ trúng đấu giá này thì có tới 6 mỏ nhà đầu tư bỏ cọc, không nộp hồ sơ làm thủ tục.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã gặp gỡ, trao đổi với một số doanh nghiệp tham gia trúng đấu giá mà không tiếp tục theo đuổi. Được biết, do diện tích đất mỏ là đất của người dân đang canh tác, nên khi thương thảo đền bù với người dân theo phương thức thỏa thuận, mà giá của người dân đưa ra quá cao, gấp 3 đến 4 lần so với giá đền bù của Nhà nước. Bên cạnh đó, có nhiều diện tích mỏ ở những địa điểm không mấy thuận lợi cho việc giao thông xe tải vận chuyển đi lại, đi qua nhiều khu vực dân cư, nên việc đầu tư từ để làm đường đi vào mỏ là rất lớn.

Ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần Trường Danh tâm tư “năm 2022, công ty của ông cũng trúng đấu giá mỏ đất Phong Bình 1 (thuộc xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) với diện tích 25ha, dự báo có 1,1 triệu m3 đất san lấp, giá khởi điểm 921,8 triệu đồng, đấu trúng với giá gần 31 tỷ đồng. Trong đó, diện tích của Công ty Trường Danh chỉ hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng 10ha, 15ha còn lại thương thảo giá đền bù với người dân để giải phóng mặt bằng không thành, do giá đền bù người dân đưa lên quá cao, nên công ty đành “bỏ cuộc”.

Thông thường các dự án về hạ tầng trước khi cấp chứng nhận đầu tư và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thì là phải là mặt bằng sạch, đồng nghĩa là công tác giải phóng mặt bằng thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Trong khi đó, việc cấp phép khai thác điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp lại hoàn toàn ngược lại, đây chính là “điểm nghẽn” lớn đối với việc phát triển điểm mỏ cung cấp nguồn vật liệu san lấp.

Cùng với những khó khăn về giải phóng mặt bằng tại các điểm mỏ đất trúng đấu giá, thì tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thu toàn bộ một lần trước khi cấp phép khai thác, đây đang là vấn đề hết sức nan giải đối với doanh nghiệp. Bởi những năm gần đây doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng càng khó khăn trầm trọng, nên các doanh nghiệp có trúng đấu giá mỏ đất được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác thì rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Công ty TNHH Mạnh Linh hoạt động chính trên lĩnh vực xây lắp, là doanh nghiệp có tên tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Để phục vụ nguồn vật liệu san lấp chính những công trình cho đơn vị, năm 2022 Công ty đã trúng đấu giá mỏ đất Triệu Thượng có trữ lượng 4,467 triệu m3, thời gian khai thác trong vòng 10 năm, số tiền phải nộp một lần trước khi cấp phép khai thác là khoảng 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Linh băn khoăn “ở thời điểm hiện tại mà bỏ ra một khoản hàng chục tỷ đồng hay tỷ đồng để nộp một lần quả là một áp lực quá lớn đối với doanh nghiệp, và rồi sẽ có nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc giữa chừng”. Trong khi đó, Công ty TNHH Mạnh Linh còn phải chi ra hơn 20 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng diện tích điểm mỏ.

Dẫu biết, tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nói chung được thu toàn bộ một lần trước khi cấp phép khai thác được áp dụng theo luật mà cụ thể là theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC. Theo đó, khai thác mỏ đất cũng thực hiện như vậy. Song, vật liệu làm san lấp mặt bằng là một loại khoáng sản thông thường, do vậy luật cũng có thể được sửa đổi, mà cốt lõi làm sao là phù hợp tình hình thực tế, nhằm khai thông những khó khăn phát sinh, thúc đẩy sự phát triển một cách hài hòa và hiệu quả. Nếu tiền nộp trúng đấu giá mỏ đất san lấp được tính theo khối lượng dự kiến khai thác hàng năm, động thái này sẽ đồng nghĩa với việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và giảm bớt đáng kể gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vào đấu giá mỏ đất san lấp, tạo thuận lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện thi công công trình, nhất là góp phần cho các nhà đầu tư cải thiện được tình trạng công trình chậm tiến độ như lâu nay.

Ngày 12/13/2023, tại buổi gặp mặt trực tuyến nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và các tổ chức để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, đoàn kết, chuyên nghiệp. Hy vọng rằng, những khó khăn về đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp đang là vấn đề được doanh nghiệp trong cả nước quan tâm, sớm được tháo gỡ bằng những cơ chế, chính sách của Nhà nước, của các Bộ, ngành liên quan phù hợp với tình hình thực tế như hiện nay.

Hữu Tiến

Theo