Tăng khả năng phòng vệ cho doanh nghiệp ngành thép
Để tăng xuất khẩu nhưng vẫn tránh được tác động từ các vụ kiện, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như nâng cao hơn nữa khả năng phòng vệ từ chính các doanh nghiệp thép.
Sản phẩm thép xây dựng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu của Công ty Cổ phần thép Việt Đức (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN) |
Liên tục trong tháng qua, các sản phẩm thép của Việt Nam bị cơ quan thương mại, kinh tế các thị trường nước ngoài khởi xướng điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, chống bán phá giá. Ngành thép cũng là một trong những ngành hàng chiếm tỷ lệ các vụ khởi kiện cao nhất.
Để tăng xuất khẩu nhưng vẫn tránh được tác động từ các vụ kiện, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như nâng cao hơn nữa khả năng phòng vệ từ chính các doanh nghiệp.
Áp lực từ các vụ kiện
Mới tháng 7 vừa qua, ngành thép liên tục nhận 2 vụ việc kháng kiện. Cụ thể, ngày 29/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, ngày 28/7, Bộ Kinh tế Mehico cũng đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian kể từ 2004-7/2022 năm nay, nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam là 68 vụ việc; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ.
Mặc dù phải đối phó với đại dịch COVID-19, song ngành thép Việt Nam vẫn có những bước đột phá khi xuất khẩu thép trong 7 tháng vẫn đạt gần 4,4 triệu tấn, với giá trị 5 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, sản lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm hơn 9%, giá trị hơn 11,4% toàn ngành.
Đại diện VSA cho hay, hiện các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra hơn hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ...
Do đó, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ từ chính thị trường này.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mặt hàng thép có truyền thống bị khởi kiện không phải mới xuất hiện những năm gần đây.
Nguyên nhân là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.
Chia sẻ từ phía doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, việc các thị trường thực hiện kiện, áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất tôn thép trong nước.
Nhiều nhà máy thép đã bị hạn chế xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ và cả khu vực Đông Nam Á.
"Để phòng vệ, mỗi doanh nghiệp cần có phương án, chiến lược riêng để ứng phó trong tình hình hiện nay. Rất có thể tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài bởi xu thế chiến tranh thương mại vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ và đang có nhiều diễn biến phức tạp," đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho hay.
Dựng “khiên” cho doanh nghiệp
Theo đánh giá từ các chuyên gia, việc phát triển đa dạng xuất khẩu sản phẩm nhưng đồng thời cơ cấu thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam cũng có thay đổi. Điều này cho thấy sự linh hoạt thích ứng của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Công nhân Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên kiểm tra thép cán mới ra lò. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN) |
Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các thị trường này sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia thép cho hay, tỷ lệ cao doanh nghiệp trong ngành thép là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiểu biết và sự quan tâm cho phòng vệ thương mại vẫn chưa nhiều.
Do vậy, khi có thông tin các vụ kiện phòng vệ từ nước ngoài, họ dễ rơi vào trạng thái bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, các công việc cần thiết phải thực hiện.
Lúc này, sự chủ động, phối hợp liên kết với nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành và cơ quan chức năng phòng vệ trong nước là rất quan trọng.
Bản thân doanh nghiệp phải xây dựng một hệ thống kế toán minh bạch cùng những kiến thức về phòng vệ.
Làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ dựng lên “tấm khiên” cho chính mình trước các vụ kiện từ thị trường quốc tế. Đồng thời, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép nếu nằm trong diện bị kiện phòng vệ cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Việc trả lời các câu hỏi đưa ra là bắt buộc, nếu các doanh nghiệp không muốn bị áp dụng mức thuế bất hợp tác.
Nhằm triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Theo đó, nhờ cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thép đã chủ động hơn trong ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Thống kê từ VSA cho hay, tính đến tháng 7, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hoàn thiện khuân khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm phòng vệ thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; duy trì các cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian tới, để xuất khẩu mặt hàng sắt thép ổn định, bền vững, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc…/.
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/tang-kha-nang-phong-ve-cho-doanh-nghiep-nganh-thep/811078.vnp