Thanh Hóa Cần gỡ khó trong cấp quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp

Xây dựng Giai đoạn 2023 2025 nhu cầu sử dụng đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất lớn Do đó việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong cấp quyền khai thác các mỏ làm vật

Thanh Hóa: Cần gỡ khó trong cấp quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp

14:38 | 26/09/2023

(Xây dựng) - Giai đoạn 2023-2025, nhu cầu sử dụng đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất lớn. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong cấp quyền khai thác các mỏ làm vật liệu xây dựng, phương án cấp quyền khai thác nguồn đất tại mỏ để phục vụ công tác san lấp, cần được các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Thanh Hóa: Cần gỡ khó trong cấp quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp
Hiện tại, người dân sinh sống gần khu vực mỏ đá xã Vĩnh Thịnh không nhiều, chủ mỏ đá hoạt động lâu nay đã bỏ kinh phí ra nâng cấp tuyến đường.

Được biết, ngày 17/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm họp, nghe báo cáo giải quyết khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường (đất đắp, cát, đá các loại) cho các dự án giao thông, gồm: Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa và tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa…

Đây là các dự án quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên hoàn trong khu vực, kết nối giao thông đối ngoại với các địa phương lân cận, mở ra những không gian phát triển mới cho địa phương. Để các dự án triển khai đúng tiến độ, ngoài việc đảm bảo mặt bằng sạch, việc đáp ứng nguồn đất đá phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít dự án trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về vật liệu san lấp mặt bằng đã khiến cho dự án bị chậm tiến độ. Vì vậy, việc chủ động và có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với nguồn vật liệu san lấp dự án được đặt lên hàng đầu.

Theo Thông báo số 132/TB-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa về việc lựa chọn tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trên địa bàn có mỏ đất san lấp tại xã Vĩnh Thịnh, cách thị trấn Vĩnh Lộc, khoảng 16km về phía Đông - Đông Bắc, diện tích mỏ 6ha với nguồn tài nguyên dự báo: 870.000m3 đất san lấp.

Khu vực này chưa được thăm dò, chưa cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào, hiện các cơ quan ban ngành đang hoàn thiện các thủ tục cấp phép khai thác. Liên quan đến khu vực đấu giá, UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã phối hợp với các ngành chức năng để rà soát các vấn đề có liên quan và báo cáo tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Tuy nhiên, do trình tự các bước triển khai cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản khá phức tạp, gồm 15 bước nên để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý thường mất khá nhiều thời gian. Nhằm sớm có nguồn đất đá này phục vụ các dự án, UBND huyện Vĩnh Lộc đang phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… để triển khai các bước theo quy định của pháp luật.

Thanh Hóa: Cần gỡ khó trong cấp quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp
Vị trí cấp mỏ đất cách xa một khu mộ khoảng hơn 100m.

Ông N. V. B thôn 13 xã Vĩnh Thịnh chia sẻ: “Hiện tại gần nhà tôi đã có một mỏ đá đang khai thác và hình như sắp tới sẽ cấp thêm mỏ đất nữa, về phát triển kinh tế - xã hội thì tôi ủng hộ, nhưng cần triển khai để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tuyến đường qua trước nhà tôi dài khoảng hơn 2km nối với Quốc lộ 217, trước đây là đường cấp phối thì bụi lắm, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, chủ mỏ đá đã đầu tư nâng cấp, rải nhựa thì đời sống của các hộ sống 2 bên đường đỡ hơn rất nhiều. Về phần mộ, khu vực ngoài đầu núi Côn Sơn có nhiều, gần khu vực mỏ đá thì ít hơn”.

Thiết nghĩ các Sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp quyền khai thác mỏ đất, xây dựng phương án tận dụng nguồn đất đá mỏ theo đúng quy định. Đồng thời, làm việc với nhà đầu tư (trúng đấu giá) để xem xét tính khả thi, yêu cầu có cam kết về tiến độ, có lộ trình, mốc thời gian cụ thể, nếu không đảm bảo, địa phương sẽ thu hút các nhà đầu tư khác. Về công tác quản lý, các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất tại cơ sở nếu để xảy ra vi phạm trong khai thác đất đá làm vật liệu san lấp, các dự án chỉ sử dụng đất đá phục vụ san lấp rõ nguồn gốc, đầy đủ thủ tục.

Tiến Anh

Theo