Thực hiện Nghị quyết số 10 NQ TW Chuyển biến tích cực từ quản lý khoáng sản

Số lượng các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản giảm tuy nhiên tăng về chất lượng đặc biệt đã hạn chế việc đầu cơ mỏ hạn chế việc cấp phép tràn lan

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Chuyển biến tích cực từ quản lý khoáng sản

10:49 | 14/02/2024

Số lượng các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản giảm, tuy nhiên tăng về chất lượng, đặc biệt đã hạn chế việc “đầu cơ” mỏ, hạn chế việc cấp phép tràn lan.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Chuyển biến tích cực từ quản lý khoáng sản
Một điểm mỏ khai thác đá xây dựng tại khu vực Núi Ông Trịnh, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Cục Khoáng sản Việt Nam đã nghiên cứu kỹ các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể chế hóa đầy đủ vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8).

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam về vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản ở nước ta hiện nay, cụ thể những tồn tại, bất cập khi thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010?

Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, công tác điều tra địa chất đạt những kết quả đáng kể, nhiều khu vực khoáng sản mới được phát hiện, đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản đã góp phần đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản giảm, tuy nhiên tăng về chất lượng, đặc biệt đã hạn chế việc “đầu cơ” mỏ, hạn chế việc cấp phép tràn lan. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường và đề án đóng cửa mỏ, thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước, hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Công nghiệp khai khoáng giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là một số lĩnh vực quan trọng như than, ximăng, sắt thép, hóa chất, alumin-nhôm... cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nguyên liệu khoáng trong nước và một phần xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với lĩnh vực khai thác, chế biến than, ximăng... tạo sự chuyển biến theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, nhiều chế định pháp lý của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế, một số quan hệ mới trong hoạt động khoáng sản phát sinh trong thực tiễn cần phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Một số bất cập, tồn tại điển hình có thể kể đến là: Dữ liệu địa chất chuyên ngành khác đang được lưu trữ, quản lý tại nhiều Bộ ngành khác nhau, chưa có cơ chế để kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng hiệu quả; chưa có quy định riêng về khai thác, thu hồi các khoáng sản làm vật liệu san lấp; quy định về đóng cửa mỏ chưa tính đến đặc thù một số trường hợp cụ thể; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản; quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa tính đến các yếu tố đặc thù riêng có của loại tài sản đặc biệt là “quyền khai thác khoáng sản.”

Một số vấn đề khác cần phải được đánh giá và điều chỉnh, bổ sung các quy định như quản lý trữ lượng khoáng sản; khoáng sản đi kèm; kiểm soát sản lượng khai thác thực tế; khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển; dự trữ khoáng sản; thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản... cũng như những xung đột với các quy định của các pháp luật khác như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đấu giá tài sản...

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Chuyển biến tích cực từ quản lý khoáng sản
Khai thác khoáng sản. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

- Để hiện thực hóa mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 10-NQ/TW, góp phần thúc đẩy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, thời gian tới, Cục Khoáng sản Việt Nam cần có hướng giải quyết cụ thể nào, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Trong thời gian chờ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua và có hiệu lực, thực hiện nhiệm vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Cục Khoáng sản Việt Nam đã tổng hợp những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn quản lý trong thời gian vừa qua thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần phải xử lý, tháo gỡ để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản.

Bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế để đưa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng vào cuộc sống, Cục Khoáng sản Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, Cục đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản để thay đổi cơ chế cấp phép hoạt động khoáng sản, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản...

- Để công tác quản lý khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, Cục Khoáng sản Việt Nam có kiến nghị gì để triển khai thực hiện theo Dự thảo Luật, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có nhiều điểm mới, bổ sung, sửa đổi nhiều quy định để có thể giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn như: Điều tra địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ, dự trữ khoáng sản, khai thác cát sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển, cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản...

Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có quy định danh mục tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010, bao gồm đất, đá, cuội, sỏi, cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, kiểm soát hoạt động khai thác sau cấp phép không tách riêng mà thực hiện theo quy định chung như đối với các loại khoáng sản khác.

Thực tế triển khai thực hiện thời gian qua cho thấy, quy định chung chưa thực sự phù hợp, thời gian cấp phép thăm dò, khai thác kéo dài; việc triển khai thực hiện công tác thăm dò, khai thác có nhiều nội dung phức tạp, không cần thiết...

Để công tác quản lý khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với đặc điểm của loại khoáng sản này, Cục Khoáng sản Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất quy định phân nhóm khoáng sản tại Điều 7 của Dự thảo Luật. Theo đó, các loại khoáng sản được phân làm 4 nhóm căn cứ theo công dụng và mục đích quản lý. Trong đó, khoáng sản nhóm III bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, khoáng sản nhóm IV bao gồm các loại khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải của mỏ.

Với việc phân nhóm khoáng sản, Dự thảo Luật đã có những quy định riêng đối với từng nhóm khoáng sản theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, phù hợp với loại hình khoáng sản và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong đó khoáng sản thuộc nhóm III và nhóm IV có những quy định đột phá về thủ tục cấp phép khai thác và phân cấp thẩm quyền cấp phép.

- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)