Thực trạng sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường ở Ninh Bình
(Xây dựng) - Những năm gần đây, việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Ninh Bình cần phải giải quyết rất nhiều khó khăn để phát triển nguồn vật liệu xây này.
Ninh Bình hiện có nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung sử dụng công nghệ tiên tiến đã bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất đạt sản lượng cao. |
Ông Phạm Đình Chiến - Trưởng phòng Kỹ thuật và Vật liệu xây dựng Sở Xây dựng Ninh Bình cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 24 dự án nhà máy gạch tuynel đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 610 triệu viên QTC/năm. Do tình hình kinh tế khó khăn, bất ổn, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết và do cơ chế chính sách khuyến khích, bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước nên trong những năm gần đây, nhiều nhà máy sản xuất gạch đất sét nung phải hoạt động cầm chừng, sản xuất không đạt công suất thiết kế.
Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã triển khai ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) như: Không mở rộng quy mô công suất và phát triển thêm các dự án mới sản xuất gạch đất sét nung; xây dựng lộ trình, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung; có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đối với các dự án sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.
Để tăng hiệu quả kinh tế và góp phần giảm ô nhiễm, một số nhà máy gạch không nung trên địa bàn tỉnh đã sử dụng thêm tro bay, sản phẩm phụ của nhà máy nhiệt điện Ninh Bình làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Việc đầu tư sản xuất sản phẩm VLXKN trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhất định. Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 dự án sản xuất gạch không nung, với tổng công suất là 168 triệu viên/năm. Nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung sử dụng công nghệ tiên tiến đã bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất đạt sản lượng cao như: Công ty TNHH Xây dựng Việt Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Yên Khánh An, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ bất động sản Thịnh Vượng...
Ngoài ra, một số dự án đầu tư sản xuất gạch không nung có quy mô công suất lớn đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng đang trong giai đoạn đầu tư, như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt, Công ty CP Đầu tư Vạn Xuân Ninh Bình… Dự kiến các dự án này sẽ đi vào hoạt động ổn định trong một vài năm sắp tới, đảm bảo nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Đình Chiến cho biết thêm: Mặc dù trong thời gian qua, chương trình phát triển VLXKN ngày càng nhận được sự quan tâm, đồng thuận, sự phối hợp chặt chẽ của tất cả địa phương, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn như: Nhận thức của các nhà thầu, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư công trình vốn tư nhân còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về VLXKN, mặc dù VLXKN có nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt mà vẫn đáp ứng yêu cầu cường độ chịu lực, tiết kiệm thời gian thi công…
Khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, sử dụng VLXKN trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất VLXKN gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng tồn tương đối lớn, một phần do không ký được hợp đồng, một phần do người dân ít sử dụng VLXKN khi xây dựng nhà ở riêng lẻ. Trên thực tế, việc người dân ít sử dụng VLXKN đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Thói quen sử dụng gạch đất nung hàng trăm năm qua không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều; sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm, sản phẩm không có tính cạnh tranh kinh tế so với các loại gạch đất sét nung... Do đó, dẫn đến lượng hàng tồn tương đối lớn, các nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, không đảm bảo công suất, một số nhà máy còn dừng hoạt động.
Vật liệu xây không nung là loại vật liệu mới, kiểu loại hạn chế, thi công đòi hỏi công nhân có tay nghề, đồng bộ nguyên vật liệu và thiết bị. Hiện nay, công nhân xây dựng đã quen với việc thi công gạch đất sét nung và chưa thành thạo trong việc thi công vật liệu xây không nung, cần có thời gian đào tạo, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.
Trong thời gian tới, theo ông Phạm Đình Chiến không chỉ ngành Xây dựng mà các cơ quan, các ngành, các cấp cần hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể, đặc biệt là chính sách ưu đãi về vốn, về sản xuất và tiêu thụ VLXKN để tạo động lực hiệu quả thúc đẩy việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLXKN.
VLXKN ở Ninh Bình được sử dụng ở đa số các công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách, còn đối với người dân thì vẫn còn rất hạn chế. |
Ngoài ra, tăng cường đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm VLXKN trên thị trường, kiểm tra các cơ sở sản xuất VLXKN không đảm bảo chất lượng nhằm hạn chế tối đa tình trạng đưa gạch không nung không đảm bảo chất lượng vào công trình xây dựng, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp xây dựng.
Tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hướng người dân, doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm sử dụng VLXKN thay thế cho sử dụng gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Anh Tú
Theo