Vật liệu xanh với những thách thức mới
(Xây dựng) - Chiều 15/11, tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Báo Xây dựng, Hội thảo khoa học “Vật liệu xanh với những thách thức mới” chính thức được tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo “Vật liệu Xanh với những thách thức mới”. |
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng: Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng; đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Công ty Cách âm cách nhiệt Phương Nam cùng nhiều chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng.
Ban tổ chức cho biết, Hội thảo diễn ra gồm hai phần: Thuyết minh và tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả uy tín trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Trong đó, đi sâu làm rõ và khẳng định sản xuất và phát triển tấm panel là phù hợp với “Chiến lược phát triển vật xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/8/2020. Đồng thời, phù hợp với “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/12/2021.
Với những góc nhìn khác nhau, trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận cùng nhau làm rõ những đặc tính ưu việt của panel (vật liệu nhẹ, thi công nhanh, cách âm, cách nhiệt, chống cháy lan) là vật liệu xanh, phù hợp với xu thế phát triển vật liệu xây dựng trong nước cũng như toàn cầu. Qua đó, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, thông qua việc tiếp cận, khảo sát và nghiên cứu nguyên liệu đầu vào để sản xuất panel; quy trình, dây chuyền công nghệ Châu Âu hiện đại của Công ty Cách âm cách nhiệt Phương Nam; Thông qua việc nghiên cứu những ưu điểm, nhược điểm của panel đã giúp đánh giá khả năng ứng dụng rộng rãi, linh hoạt của panel – vật liệu xanh đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng.
Trên cơ sở đánh giá về cấu trúc sản phẩm, ứng dụng của panel trong xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng các ý kiến, kiến nghị tại Hội thảo cũng đã được ban tổ chức ghi nhận, tổng hợp để báo cáo gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét bổ sung chủng loại panel nhẹ vào định hướng phát triển vật liệu xây dựng của cả nước.
Mặt khác, làm cơ sở kiến nghị với các cơ quan chức năng liên quan ban hành tiêu chuẩn Việt Nam tiến tới ban hành quy chuẩn và thực hiện việc hợp chuẩn, hợp quy đối với panel được sản xuất và ứng dụng tại Việt Nam…
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng có nhiều tham luận của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đã được trình bày, giới thiệu, trao đổi tại Hội thảo.
Đa số các ý kiến đều tập trung phân tích, làm rõ định hướng phát triển vật liệu xanh cho công trình xây dựng; sử dụng, ứng dụng panel cách nhiệt Phương Nam trong các công trình nông nghiệp, hàng không, dân dụng…
Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển công trình xanh, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần chủ động, sáng tạo, áp dụng các công nghệ sản xuất mới của các nước tiên tiến trên thế giới để đạt được hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý và hoàn thiện hành lang kỹ thuật liên quan đến công trình xanh, vật liệu xanh.
Ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Lê Văn Tới nhìn nhận: Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất xét nung là một nhu cầu hết sức cấp thiết và là xu thế trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam. Xét về tính năng tiết kiệm năng lượng thì panel Phương Nam vượt trội so với các loại vật liệu truyền thống.
Đặc biệt, dạng vật liệu như panel Phương Nam nói riêng và vật liệu xây dựng chủ yếu để xây dựng các công trình nổi (nổi trên mặt đất) nói chung tại các khu công nghiệp ở Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên các văn bản pháp luật để quản lý phải định hướng, sử dụng cũng như ưu tiên phát triển sản xuất trong nước dạng vật liệu đặc thù này chưa đầy đủ. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị nên bổ sung chủng loại panel nhẹ vào định hướng phát triển vật liệu xây dựng của cả nước, tiến tới ban hành quy chuẩn và thực hiện việc hợp chuẩn, hợp quy đối với panel nhẹ được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.
Hội thảo “Vật liệu xanh với những thách thức mới” được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty Cách âm cách nhiệt Phương Nam (1992-2022). Với năng lực sản xuất hiện có, Công ty Cách âm cách nhiệt Phương Nam có thể cung cấp cho thị trường vật liệu xây dựng gần 20 triệu m2 panel mỗi năm với chất lượng đảm bảo và đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về vật liệu xanh, vật liệu nhẹ.
Huyền Nhi
Theo