Việt Nam lọt Top 12 quốc gia sản xuất thép thô lớn nhất thế giới
(Xây dựng) - Ngành thép Việt Nam đã khẳng định vị thế khi lọt Top 12 thế giới về sản xuất thép thô. Đây là thành tích vượt bậc đối với thép Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp thép thế giới. Tham gia Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 (SEAISI Conference & Exhibition 2024), ngành thép Việt có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Ngành thép Việt Nam ghi dấu ấn tại SEAISI 2024
Từ ngày 13-16/5/2024, ngành thép Việt Nam đã tham gia Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 (SEAISI Conference & Exhibition 2024) tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana - Đà Nẵng. Sự kiện này thu hút hơn 400 “ông lớn” ngành thép khu vực châu Á, các chuyên gia đầu ngành và các hiệp hội liên quan tham dự.
Với chủ đề “Tồn tại và Phát triển trong Kỷ nguyên Khử Carbon”, hội nghị diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo chuyên đề giới thiệu những công nghệ sản xuất thép mới nhất và đưa ra những dự báo về nhu cầu sử dụng thép trên thế giới trong những năm tới. Ngoài ra, còn có triển lãm các sản phẩm của các hãng thép khu vực Đông Nam Á cũng như những hãng nổi tiếng của các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất thép phát triển như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc...
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc tham gia SEAISI 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư từ các đối tác quốc tế. Điều này sẽ giúp ngành thép Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hội thảo lần này là tiền đề để các nước cùng nhau hành động, trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á nỗ lực trước những biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng để giảm phát thải khí CO2.
“Đây là cơ hội cho chúng ta để cùng nhau chia sẻ về những công nghệ, cải tiến và cùng thảo luận để hướng tới phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn,” ông Đa nói thêm.
Trong chương trình, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham quan một số nhà máy sản xuất công nghiệp lớn tại khu vực miền Trung, trong đó có Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, một trong những tổ hợp sản xuất thép khép kín quy mô lớn, hiện đại hàng đầu khu vực.
Hành trình vươn lên Top 12 thế giới về sản xuất thép thô của ngành thép Việt
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường chia sẻ tại hội nghị: “Từ năm 2015 đến nay, ngành thép đã có bước phát triển và trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm, đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023 với sản lượng đạt 20 triệu tấn”.
Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng. |
Phó Chủ tịch Đà Nẵng cho hay, phát triển ngành công nghiệp thép Đông Nam Á nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26.
Theo đó, ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thép thế giới. Trước năm 2000, ngành thép Việt Nam còn nhỏ lẻ và lạc hậu. Các doanh nghiệp như Gang thép Thái Nguyên ở miền Bắc và Công ty Thép miền Nam là những đơn vị chủ lực, nhưng công nghệ và quy mô sản xuất còn hạn chế. Tổng sản lượng thép thô chỉ đạt khoảng 100.000 tấn mỗi năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.
Bước vào những năm 2000, sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân như Thép Hòa Phát, Thép Hoa Sen, Thép Việt Đức và các liên doanh với Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vinakyoei, SSSC, Vinausteel, v.v.) nhanh chóng tạo nên sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu ngành thép. Các doanh nghiệp này đã cải thiện đáng kể năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm thép trên thị trường. Khi đó, Việt Nam sản xuất được 0,5 triệu tấn thép thô và 2 triệu tấn sản phẩm thép mỗi năm.
Năm 2001, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chính thức được thành lập, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong ngành. VSA đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới sự phát triển bền vững. Sự ra đời của VSA tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thép Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng công nghệ mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giai đoạn từ 2011 đến 2020 là thời kỳ bùng nổ của ngành thép Việt Nam. Những doanh nghiệp lớn như Thép Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất. Tại thời điểm đó, các dự án lớn của Tập đoàn Hòa Phát có công suất hiện tại 8,5 triệu tấn thép thô/năm và nhà máy Formosa Hà Tĩnh công suất 7,5 triệu tấn/ năm góp phần vào việc tăng sản lượng thép thô của Việt Nam. Đến năm 2020, sản lượng thép thô của Việt Nam đạt 19,9 triệu tấn, giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 14 trên thế giới và đứng đầu ASEAN về tiêu thụ thép thành phẩm với 23,3 triệu tấn.
Đến năm 2023, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Các doanh nghiệp thép tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng từ 10-15% mỗi năm trong giai đoạn này đã chứng tỏ sự vững mạnh và tiềm năng phát triển của ngành thép Việt Nam.
Ngành thép tự chủ, đa dạng các chủng loại sản phẩm
Ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc tự chủ sản xuất nhiều loại thép chất lượng cao, dần thay thế hàng nhập khẩu. Từ những năm 2000, khi tổng công suất phôi chỉ đạt khoảng 300.000 tấn và sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, ngành thép Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2015, công suất phôi vượt hơn 12 triệu tấn, tăng gấp 40 lần so với năm 2000; thép thành phẩm các loại đạt hơn 26 triệu tấn, tăng hơn 10 lần.
Bên cạnh sản lượng, sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm đã giúp ngành thép Việt Nam bổ sung đủ các dải sản phẩm còn thiếu, đáp ứng nhu cầu trong nước và cải thiện vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ những nỗ lực này, ngành thép Việt Nam đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp thép thế giới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép đã phát triển vượt bậc cả về quy mô sản xuất và chủng loại sản phẩm. Năm 2000, các nhà máy thép chủ yếu phải nhập phôi từ nước ngoài để cán thép xây dựng phục vụ thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2010, ngành thép Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhu cầu về thép tăng cao đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, đầu tư vào các dự án quy mô lớn và hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.
Các doanh nghiệp tư nhân trong ngành thép Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm thép. Nhờ đó, Việt Nam không chỉ tự chủ hơn trong sản xuất thép mà còn thay thế dần hàng nhập khẩu. Các sản phẩm như thép rút dây, thép cuộn cán nóng và thép dự ứng lực được sản xuất trong nước đã đáp ứng tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Việc đầu tư vào các dự án thép quy mô lớn và hiện đại đã thúc đẩy năng lực sản xuất thép thô của Việt Nam, thu hút sự quan tâm từ các ngành trọng điểm như cơ khí, xây dựng và quốc phòng. Điều này không chỉ giúp ngành thép Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Vân Phương
Theo