Vĩnh Phúc: Khan hiếm vật liệu san lấp, nhiều công trình lo chậm tiến độ
(Xây dựng) - Tiến độ nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nguồn đất san lấp ngày một khan hiếm. Đặc biệt là với các dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm cần khối lượng sử dụng lớn thì vấn đề đáp ứng nguồn đất san lấp mặt bằng ngày càng trở nên cấp thiết.
Khó khăn về nguồn cung đất san lấp khiến tiến độ triển khai xây dựng Khu công nghiệp Sông Lô II còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. |
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Lô II do Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 6/2023, nhưng sau hơn 9 tháng triển khai, tiến độ san lấp mặt bằng và thi công các hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra do thiếu nguyên vật liệu xây dựng.
Ông Phạm Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc chia sẻ: Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và cho thuê một phần mặt bằng KCN ngay trong năm 2024, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đơn vị đã huy động tối đa các nguồn lực, tăng tốc thi công.
Việc thiếu đất san lấp, phải mua vật liệu từ các tỉnh lân cận khiến chi phí đầu tư tăng cao, thời gian kéo dài. Dù những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tranh thủ thời tiết thuận lợi, công ty đã tìm kiếm nguồn cung từ các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, do đường vận chuyển xa phát sinh chi phí vận chuyển khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai dự án. Đó là rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào KCN Sông Lô II.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Lô II được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng số vốn 1.520 tỷ đồng, có diện tích sử dụng đất là hơn 165ha, thuộc địa giới hành chính các xã Đồng Thịnh và Yên Thạch, huyện Sông Lô. Với nền địa chất yếu, nằm ở khu vực chiêm trũng, ngập nước, thi công KCN Sông Lô II cần sử dụng lượng đất san lấp rất lớn. Ước tính cần khoảng 4 triệu m3 cho mặt bằng và 500 nghìn m3 thi công hạ tầng.
Bên cạnh KCN Sông Lô II, trên địa bàn tỉnh còn một số dự án công nghiệp khác như: KCN Sơn Lôi, KCN Nam Bình Xuyên, KCN Sông Lô I, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa… đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng, đều rất cần nguồn đất san lấp để thi công.
Ngoài ra, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm, với vai trò tạo liên kết vùng như đường trục Bắc Nam, đường trục Đông Tây, đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh… đều đang ở giai đoạn đầu tư xây dựng nên nhu cầu về đất san lấp sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 20 điểm mỏ được quy hoạch khai thác đất san lấp, tập trung ở huyện Bình Xuyên, Tam Dương và Lập Thạch.
Riêng địa bàn huyện Lập Thạch có 11 điểm mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có 7 điểm mỏ đã hết hạn khai thác hoặc có quyết định dừng hoạt động; 4 điểm mỏ đang hoạt động, trong đó có 3 mỏ khai thác đất san lấp và 1 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thuộc địa bàn các xã Quang Sơn, Tử Du, Bàn Giản, Liên Hòa.
Tại huyện Bình Xuyên, các mỏ đất được quy hoạch trên địa bàn xã Trung Mỹ đang hoạt động tương đối ổn định, song trữ lượng theo giấy phép khai thác còn không nhiều. Tình trạng thiếu nguồn cung và giá đất san lấp tăng cao đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của nhiều dự án công nghiệp cũng như tiến độ giải ngân thực hiện các dự án đầu tư công.
Tháo gỡ khó khăn, tăng tốc hoàn thiện hạ tầng, đưa các dự án sớm đi vào hoạt động, vận hành, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tìm kiếm các điểm mỏ trong và ngoài tỉnh, giải quyết vấn đề đất san lấp.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được công bố vào ngày 5/3 là thông tin rất vui với các đơn vị thi công, chủ đầu tư các công trình giao thông, hạ tầng các KCN... Bởi, quy hoạch là căn cứ pháp lý để tỉnh sớm hoàn thiện quy trình thủ tục, cập nhật các điểm mỏ mới khai thác đất san lấp. Tuy nhiên, việc cấp phép thêm mỏ đất mới ở các địa phương hoặc tăng công suất khai thác đối với các mỏ hiện tại sẽ tốn không ít thời gian, gặp nhiều khó khăn.
Một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp đề xuất là cấp phép cho sử dụng các nguồn đất thải đảm bảo chất lượng làm vật liệu san lấp mặt bằng, đây sẽ là giải pháp hợp lý để đơn vị thi công giải quyết tình trạng khan hiếm đất san lấp hiện nay.
Tại Hội nghị lần thứ 29 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 12/04, các đại biểu đã tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình dự án. Ban hành đơn giá đất; xây dựng các khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, đất san lấp cho các công trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Văn Nhất
Theo