Xu hướng công nghệ mới, vật liệu xanh trong xây dựng
(Xây dựng) - Tuần qua, Báo Xây dựng đã phối hợp cùng Vụ Vật liệu xây dựng tổ chức Hội thảo “Xu hướng công nghệ vật liệu trong công trình xây dựng” tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng, các Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Xây dựng; các chuyên gia vật liệu xây dựng, chuyên gia về kiến trúc; Đại học Kiến trúc, đại diện lãnh đạo các Tập đoàn xây dựng - bất động sản trong và ngoài nước; các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Các công ty thiết kế, kiến trúc xây dựng; Đại diện các Hiệp hội ngành nghề: Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng; Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam… cùng hơn 30 cơ quan Báo chí, truyền thông đến dự.
Phát triển vật liệu xanh theo hướng bền vững
Nhu cầu bảo vệ môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của xã hội, do đó các thiết kế, kiến trúc cũng phát triển theo hướng bền vững. Thực tế hiện nay, rất nhiều tổ chức, DN đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất vật liệu xanh, sạch, tái chế, vật liệu thay thế có nhiều ưu việt hơn các sản phẩm truyền thống.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các sản phẩm xanh có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn những vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, cần xem xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn, có vòng đời sử dụng dài hơn, từ đó tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư… Với những tiềm năng như vậy, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu thì VLXD xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu.
ThS Lê Văn Tới - Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng: Về lĩnh vực VLXD, Nhà nước có định hướng phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất sạch và VLXD thân thiện. Các văn bản pháp luật hiện hành quy định, VLXD thân thiện là đối tượng được chú ý cả tới quá trình sản xuất ra nó, có các thuộc tính mà VLXD truyền thống không có: Mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người sử dụng; Trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản; giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và những tác động hủy hoại môi trường; tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác.
PGS.TS Lương Đức Long - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, ngành công nghiệp VLXD đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 6,5 - 7% vào GDP của Việt Nam. Do quá trình phát triển kết cấu hạ tầng của nước ta vẫn tiếp tục trong vài chục năm nữa nên xây dựng và VLXD vẫn có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tới. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm VLXD chủ yếu của Việt Nam đều tham gia xuất khẩu, vì vậy, hội nhập là nhu cầu bắt buộc đối với ngành sản xuất VLXD. Trước đây, tính cạnh tranh của VLXD chỉ thể hiện ở chất lượng và giá bán. Ngày nay, người mua hàng quan tâm đến cả trình độ sản xuất, sự phát thải ô nhiễm trong quá trình sản xuất, điều kiện lao động và trình độ quản lý của đơn vị sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu VLXD cần quan tâm những yếu tố này để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng
Theo thống kê của Global Data, ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm 8,1% theo giá trị thực từ năm 2023 - 2026. Đồng thời giá nguyên liệu có khả năng tiếp tục tăng do Việt Nam phụ thuộc vào các nguồn thứ 3 về nguyên liệu thô.
Ông Vasudevan Murugesu - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Sika Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một thị trường năng động với tốc độ đô thị hóa nhanh đứng đầu trong khu vực châu Á. Cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường xây dựng Việt Nam ngày càng khó khăn và khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm xây dựng. Chính vì vậy, là một chuyên gia trong ngành, với gần 30 năm vận hành trên thị trường Việt Nam, Sika® luôn đặt chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là yếu tố bền vững và thân thiện với môi trường, vốn đang là xu hướng chung của toàn thế giới”.
Theo ông Đào Ngọc Long - Tổng giám đốc Công ty GREENPAN - đơn vị chuyên sản xuất các tấm cách nhiệt PIR dùng trong xây dựng dân dụng, công nghiệp và lạnh công nghiệp thì những năm gần đây, theo xu hướng phát triển chung của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, ứng dụng của tấm cách nhiệt ngày càng được mở rộng sang những ngành khác như y tế, phòng sạch và đặc biệt là xây dựng, bên cạnh lĩnh vực lạnh công nghiệp truyền thống. Hiện nay, cả thế giới đang chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu; theo đó, tấm cách nhiệt được sản xuất bởi công nghệ xanh sẽ có nhiều lợi thế triển khai cũng như được hưởng ứng rộng rãi. Do đó, vật liệu cách nhiệt được dự đoán sẽ trở thành khuynh hướng chung của ngành xây dựng trong tương lai.
Ông Trần Việt Dung - CEO của LAVASTONE cho biết: Gần đây, xuất hiện các sản phẩm ứng dụng công nghệ mineral silicate chuyên dụng trong công tác phủ, trang trí, bảo vệ bề mặt cho sàn và tường đã thể hiện ưu thế vượt trội hơn so với các công nghệ khác hiện có trên thị trường. Đó là những vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, được nhiều khách hàng lựa chọn nhằm đảm bảo cho công trình có tuổi thọ bền vững hơn, đồng thời, đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng.
Nam Sơn
Theo