Xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao - Giải pháp cho phát triển bền vững
(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo do Tạp chí Tài Nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) tổ chức sáng 18/11. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Tái chế và tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất và các hoạt động kinh tế khác, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chuyển giao những công nghệ hiện đại, hướng tới phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.
Ban tổ chức mong muốn, Hội thảo sẽ góp phần truyền thông chính sách Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào đời sống thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý, tái chế và sử dụng tro xỉ, thạch cao, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì môi trường sống xanh cho cộng đồng xã hội, đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số.
Qua đó, có những giải pháp phù hợp trong quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hinh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của người dân.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Đồng thời, các doanh nghiệp phát thải tro xỉ, thạch cao và doanh nghiệp xử lý, tái chế, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao cũng nêu ra những khó khăn trong xử lý, tái chế, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thông tin cụ thể những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đối với quản lý, xử lý và tiêu thụ tro xỉ, thạch cao.
Trao đổi tại Hội thảo, PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế tuần hoàn từ xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao là rất quan trọng.
Theo PGS. Nguyễn Đình Thọ, kinh tế tuần hoàn đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải mà chính là sự kết nối giữa các giai đoạn của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất sản đến khâu phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sau sử dụng để giảm khai thác, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm chất thải phát sinh và tác động xấu đến môi trường.
PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Cùng đó, PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, cần xác định đặc thù giai đoạn phát triển của các nền công nghiệp có thể sử dụng được tro xỉ. Theo đó, tro xỉ có thể được sử dụng trong 5 lĩnh vực: giao khoán cho xi măng, thay thế đất sét trong sản xuất clanke xi măng, thay thế đất sét để sản xuất gạch đất sét nung, sử dụng để sản xuất bê tông, sử dụng để san lấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn do một số vướng mắc về cơ chế, bên cạnh đó chi phí để tro xỉ được sử dụng vướng giá cao, không cạnh tranh được với các khoáng sản thiên nhiên.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại Việt Nam, tuy đã có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để ứng dụng tro xỉ trong ngành giao thông, xây dựng... nhưng vẫn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các chủ đầu tư các công trình tiếp nhận và sử dụng.
Giá thành vật liệu nung truyền thống vẫn thấp hơn vật liệu xây không nung (VLXKN) sản xuất từ tro xỉ do được hưởng ưu đãi về thuế đối với nguyên liệu đất sét. Như vậy, việc cạnh tranh về giá trên thị trường thương mại đối với VLXKN là không khả quan.
Chưa kể kỹ thuật xây VLXKN phức tạp hơn vật liệu xây truyền thống, chất lượng một số chủng loại VLXKN vẫn chưa thực sự ổn định... Tới nay, những tồn tại về chất lượng khối xây đối với VLXKN đã từng bước được khắc phục nhưng vẫn chưa triệt để, ảnh hưởng phần nào đến niềm tin của người tiêu dùng đối với VLXKN.
Do đó, để đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ, cần sự đồng bộ của các biện pháp về mặt cơ chế, chính sách cùng giải pháp kỹ thuật và thương mại.
Về mặt cơ chế, chính sách, tiếp tục kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, ban hành các đơn giá, định mức liên quan đến xử lý, xử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông.
Các cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành địa phương để triển khai phương án tái sử dụng trò xi làm vật liệu san lấp, làm nền đường ôtô trong khu vực.
Về kỹ thuật, cần đảm bảo tuyệt đối về các vấn đề an toàn môi trường, công tác vận chuyển tro xỉ từ silo, bãi xỉ đến nơi tiêu thụ phải được kiểm soát và thực hiện theo đúng quy trình, quy định.
Giải pháp về thương mại sẽ tập trung vào việc rà soát, cập nhật đầy đủ các giải pháp và chi phí xử lý tro xỉ nêu trong Đề án xử lý tro xỉ đã được ban hành.
Đồng thời, các đơn vị cam kết với các nhà thầu tiêu thụ tro xỉ thực hiện dùng theo các định hướng và tiêu chỉ lựa chọn đối tác xử lý, tiêu thụ tro xỉ trong dài hạn. Bên cạnh đó, tập trung tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà thầu trong phạm vi cho phép để có thể tiếp nhận, vận chuyển, tiêu thụ tro xỉ.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo số liệu tổng hợp từ các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Trong năm 2021, tổng lượng tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn.
Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 43,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020). Đồng thời, các nhà máy phân bón, hóa chất cũng phát thải ra hàng triệu tấn tro, xỉ, thạch cao hằng năm.
Linh Đan
Theo