Xuất khẩu xi măng: Trị giá giảm, vẫn tăng thuế
(Xây dựng) - Ngành Xi măng đang đối diện với khủng hoảng thừa sản lượng, khi cung lớn hơn cầu. Tuy không hướng đến mục tiêu sản xuất để xuất khẩu (chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước) nhưng thực tế cho thấy, những năm gần đây, xuất khẩu là “cứu cánh” giúp cân bằng hơn cán cân tiêu thụ, giảm áp lực tồn kho của doanh nghiệp.
Trị giá xuất khẩu giảm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 9/2023 đạt hơn 2,28 triệu tấn, với trị giá hơn 93,9 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 19,1% về trị giá so với tháng 8/2023. Trong tháng 10/2023, xuất khẩu clinker và xi măng của cả nước khá hơn, đạt 2,6 triệu tấn, với trị giá 103 triệu USD, tăng gần 23% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng, toàn ngành Xi măng xuất khẩu hơn 26 triệu tấn sản phẩm, thu về hơn 1,1 tỷ USD, tương đương sản lượng của cùng kỳ năm ngoái nhưng trị giá giảm 2,4%.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng xuất khẩu không giảm nhưng trị giá ngoại tệ thu về giảm nhẹ trong giai đoạn này là do giá xuất khẩu xi măng, clinker có xu hướng giảm.
Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, với hơn 6,17 triệu tấn, đạt trị giá 277 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Xếp thứ 2 là thị trường Bangladesh. Quốc gia này nhập khẩu hơn 4,47 triệu tấn clinker và xi măng của Việt Nam, tăng 80% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ.
Chưa thấy “cửa sáng”
Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng cuối của năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong đó, Philippines tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.
Một tia hy vọng khi các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang các quốc gia châu Mỹ, châu Âu, mặc dù sản lượng chưa nhiều. Nhưng châu Âu là thị trường khó tính, từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Điều này cũng đồng nghĩa, muốn xuất khẩu vào thị trường này, các nhà sản xuất xi măng phải giảm phát thải carbon đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của EU.
Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp xi măng đối mặt khó khăn chồng chất. Việc tăng thuế xuất khẩu với clinker từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023 cũng khiến doanh nghiệp xi măng thêm điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất lùi thời hạn nâng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% đến hết năm 2024. Tuy nhiên, Bộ Tài chính trình Chính phủ không lùi thời hạn áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng clinker như kiến nghị của các Hội, Hiệp hội để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Theo Bộ Tài chính, clinker là nguyên liệu quan trọng để sản xuất ra xi măng. Việc tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu với clinker từ 5% lên 10%, áp dụng từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu tải nguyên, khoáng sản thô chưa qua chế biến.
Mặt khác, clinker được sản xuất chủ yếu từ tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Quá trình sản xuất clinker trong nước chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, nếu tăng xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt tài nguyên. Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker góp phần thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên không tái tạo trong nước.
Như vậy, xuất khẩu xi măng vẫn là con đường khó. Lối thoát nào cho doanh nghiệp xi măng trong bối cảnh hiện nay? Câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Vũ Huyền
Theo